Lái xe thế nào để xe không bị lật?

Thông thường, ô tô được gọi là “xe 4 bánh”, hàm ý nó có thể tự đứng vững mà không bị đổ, là loại phương tiện chạy nhanh và an toàn. Thế nhưng, trên thực tế, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra do ô tô bị lật. Đáng chú ý, hầu hết các vụ lật xe là do hạn chế về kỹ năng điều khiển của tài xế. Vậy lái xe thế nào để xe không bị lật? Dưới đây là chia sẻ của một số chuyên gia.

      Đầu tiên, phải kể đến nguyên nhân xe bị lật do chạy nhanh khi vào cua. Không những xe 2 bánh, 3 bánh, mà ngay cả 4 bánh nếu chạy nhanh, cua gấp cũng hoàn toàn có thể bị lật do mất cân bằng. Bởi vậy, ngay cả trên một cung đường quen thuộc, khi ôm cua, người lái xe phải giảm tốc độ đến mức an toàn, vừa tránh lật xe, vừa tránh va chạm với các phương  tiện khác. Đặc biệt, nếu trời mưa, cần giảm tốc độ xuống ít nhất 10% so với tốc độ ngày nắng trên đường thẳng và giảm 20% nếu ôm cua. Đường lạ nên giảm hết mức có thể trong khả năng mình có thể kiểm soát.

Một chiếc xe con bị lật trên đường Túc Duyên (TP Thái Nguyên) ngày 30/11/2019

      Cần quan sát bề mặt đường từ xa để chọn tốc độ phù hợp, vì đường nghiêng, đường lồi lõm hoặc trơn trượt nếu ôm cua với tốc độ cao sẽ rất dễ lật xe. Khi trời mù, tầm quan sát bị hạn chế cần giảm tốc ngay.
      Khi qua giao lộ (ngã 3, ngã 4…) cần giảm tốc hết mức có thể để quan sát 2 bên. Trường hợp trời mưa cần chú ý “điểm mù” ở 2 bên kính chắn gió phía trước, do tất cả các xe chỉ có thể gạt nước với một góc quét nhất định phía trước người lái, còn góc chữ A hoàn toàn là điểm mù do nước, bụi mưa ngăn cản tầm nhìn. Nên đi hết về phần đường của mình để đề phòng đường trơn xe có thể quăng đuôi sang làn ngược chiều khi xe chuyển hướng lái (khi tránh xe ngược chiều).
      Không phanh gấp, phanh tay khi xe bị trượt. Kiểu đường nhựa bị xe tải để rơi đất sau đó gặp mưa sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm do bề mặt đất nhão gây trơn trượt. Ở kiểu mặt đường này nên giảm tốc độ và đi lệch hết mức có thể về phần đường của mình; tránh phanh gấp, kể cả xe có ABS và không dùng phanh tay; cố gắng dùng lái để điều chỉnh hướng đi của xe nếu lốp có dấu hiệu trượt.
      Xử lý non khi gặp chướng ngại vật hoặc xe ngược chiều, tránh kiểu xử lí già (đi sát xe phía trước, khi xe trước phanh gấp thì lái xe sau cũng giật mình, phanh gấp, thậm chí đánh lái đột ngột khiến xe bị lật). Khi trời mưa cần xử lý tình huống sớm hơn so với điều kiện đường tốt. Tăng khoảng cách với xe trước so với điều kiện bình thường khoảng 40% (ngày thường cách xe trước khoảng 40m, nay nên tăng lên 55 – 60m phòng khi xe trước phanh đột ngột).
Khi ôm cua, nên chém cua hết mức có thể để giảm góc cua (với điều kiện tầm quan sát cho phép và đường kẻ phân làn cách quãng cho phép xe chèn vạch).
Đi đường miền núi, cua tay áo nhiều, luôn bám bên núi (kể cả khi phía đường đó xấu hơn); giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về phía vực (ta-luy âm).
      Ghi nhớ: Khi xe mất lái do đường trơn, nếu bình tĩnh, ta vẫn có thể điều chỉnh hướng đi của xe. Dòng xe SUV, CUV gầm cao như Land Cruiser, Pajero, RAV4, CR-V, Santa Fe, Captiva v.v. sẽ càng dễ lật hơn xe gầm thấp trong điều kiện đường trơn và tốc độ cao.                                          

                                                                     Tin và ảnh: Trần Thép

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *