Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Vừa qua, Đại học Thái Nguyên phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc của Đại học Thái Nguyên 2004 – 2018”. Dự buổi Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên; GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; các cơ sở giáo dục thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên cùng các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2004 – 2018.

      Buổi Tọa đàm nhằm cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020” (Nghị quyết số 37-NQ/TW) và Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Kết luận số 26-KL/TW). Đồng thời, tăng cường sự phối hợp trong nghiên cứu và tư vấn chính sách giữa Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Thái Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi Tọa đàm

      Tại buổi Tọa đàm, có hơn 10 ý kiến tham luận của các nhà khoa học trình bày về các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gắn với quá trình thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW; làm rõ vai trò của Đại học Thái Nguyên trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các địa phương trong vùng và chức năng tư vấn chính sách. Đồng thời, thảo luận về tính đồng bộ và hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến liên kết phát triển vùng; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển khoa học và công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… Đồng chí Giám đốc Đại học Thái Nguyên đề xuất  trong giai đoạn 2020 – 2035 và tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư cho Đại học Thái Nguyên – cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đa ngành với cụm tám trường đại học và cao đẳng đã được kiểm định chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, tư vấn chính sách…
      Cũng tại buổi Tọa đàm, các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên cũng đã kiến nghị, đề xuất các quan điểm và giải pháp đột phá, phù hợp; các mô hình sản xuất và kinh doanh mới cần được nhân rộng và áp dụng nhằm phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
      Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các tham luận, đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học, đề nghị Tổ Thư ký tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW xem xét, đưa vào dự thảo báo cáo tổng kết. Đồng chí khẳng định vị trí, vai trò, thế mạnh và tiềm năng của Đại học Thái Nguyên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW; mong muốn Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương để tham mưu tích cực hơn các chủ trương, chính sách vĩ mô về kinh tế -xã hội vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. 
      Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37, Đại học Thái Nguyên đã có trên 3.500 đề tài các cấp, 166 đề tài gắn với định hướng phát triển các địa phương trong khu vực với tổng kinh phí thực hiện trên 190 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với vai trò và định hướng phát triển Đại học vùng, Đại học Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ vào tư vấn, phản biện chính sách của Đảng, Nhà nước; được các ban ngành Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá, đề xuất giải pháp về phát triển kinh tế – văn hóa – giáo dục trong khu vực./.

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *