Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cấp bách, trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 25/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 – 2020”, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh đã luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của công tác phòng, chống tham nhũng và đã đạt được những kết quả tích cực.

      Trên cơ sở nhóm nhiệm vụ, giải pháp Đề án số 07-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, phối hợp triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; ban hành nhiều văn bản để triển khai trong toàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị và Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng cho trên 300 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ làm công tác nội chính của các đảng bộ trực thuộc tỉnh, các tổ chức đảng. Thường xuyên định hướng nội dung tuyên truyền, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng; các vụ việc, vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm xảy ra ở địa phương… Đồng thời, phối hợp các sở, ngành liên quan đổi mới nội dung, hình thức tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng sâu rộng đến quần chúng nhân dân.

Quang cảnh Hội nghị nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW,
ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị và Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 03/02/2017
của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng

      Hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức phù hợp với địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống tham nhũng; kết quả thực hiện phòng, chống tham nhũng của các ban, bộ, ngành, địa phương, cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng; kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng; xử lý các vụ việc, đối tượng thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát của Đảng về phòng, chống tham nhũng; giới thiệu, biểu dương gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
      Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm từng tháng, tăng cường các bài viết, phóng sự về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đảm bảo cập nhập nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các thông tin về phòng, chống tham nhũng; chú trọng xây dựng các chương trình, chuyên mục, tăng thời lượng, dung lượng phát sóng, phát hành tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Báo Thái Nguyên đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng. Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên sản xuất và phát sóng các chuyên mục về công tác Nội chính và phòng, chống tham nhũng: “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Hộp thư truyền hình”, “Chính sách và cuộc sống”, “Cải cách hành chính”, “Dân hỏi – Cơ quan chức năng trả lời”.
      Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp thường xuyên được cung cấp thông tin, chỉ đạo, định hướng các nội dung về phòng, chống tham nhũng; nhiều tin, bài với nội dung về phòng, chống tham nhũng được biên soạn, đăng tải trên cuốn “Thông báo nội bộ” hằng tháng phát hành đến các chi bộ xóm, bản, tổ dân phố. Đặc biệt, thông qua các hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban cộng tác viên dư luận xã hội, hội nghị giao ban báo chí định kỳ hằng tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, các nội dung về phòng, chống tham nhũng được cung cấp cho các báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội để tuyên truyền rộng khắp tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền đã nắm bắt được những khó khăn vướng mắc, những vấn đề bức xúc để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời; tạo được lòng tin trong nhân dân, đoàn kết chung tay thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
      Ngoài ra, trên Cổng Thông tin của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành, địa phương, mạng lưới phát thanh, truyền thanh cơ sở cũng tăng cường việc cung cấp thông tin, phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giúp người dân tiếp cận các thông tin về phòng, chống tham nhũng; từ đó phát huy vai trò giám sát, tố giác các trường hợp tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đổi mới hình thức tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, gắn kết công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng với việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị văn hóa.
      Có thể nói, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng thực hiện thường xuyên đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, tạo được sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong xã hội với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, đòi hỏi cần chú trọng thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng phải bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể; bảo đảm tính trung thực, khách quan. Thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh để nắm bắt thông tin kịp thời nhằm tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có giải pháp chỉ đạo phù hợp, đạt hiệu quả. Kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị về cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta hiện nay. Kịp thời biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tập thể, cá nhân tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để nhân rộng những kinh nghiệm thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương với các cơ quan báo chí, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác về các nội dung thực hiện phòng, chống tham nhũng ở địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
      Với những kết quả đạt được, với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta tin tưởng rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến tích cực, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *