Hệ thống đèn tín hiệu giao thông ra đời với vai trò điều tiết giao thông ở những nơi có mật độ phương tiện lưu thông lớn. Đây là một thiết bị quan trọng vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và phương tiện khi di chuyển, vừa giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc chấp hành tín hiệu giao thông không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với xã hội mà còn thể hiện nét văn hóa ứng xử của mỗi người. Dẫu vậy, đâu đó vẫn tồn tại bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức, ngang nhiên vượt đèn đỏ, bất chấp tai nạn đang rình rập.
Hành vi vượt đèn đỏ không còn xa lạ với chúng ta, và không ít lần chỉ vì muốn nhanh vài giây mà chậm cả đời, đã gây ra những tai nạn vô cùng thương tâm, thậm chí là thảm khốc. Nó đang từng ngày, từng giờ hiện hữu, cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người, hạnh phúc của nhiều gia đình, ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ và đe dọa sự bền vững của giống nòi; hậu quả để lại là cả gánh nặng cho toàn xã hội. Mỗi ngày trôi qua, chỉ vì tai nạn giao thông mà có những người mãi mãi ra đi hay sống đời thực vật, tiếng trẻ khóc cha, vợ tiễn chồng, nỗi đau cứ âm ỉ kéo dài trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông. Ngoài việc gây ra những cái chết tức thì, TNGT còn để lại những cái chết từ từ về thể xác lẫn tinh thần không chỉ gây hậu quả đau đớn cho riêng bản thân người bị nạn mà còn đưa người thân, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, kinh tế kiệt quệ, nợ nần chất chồng. Đây chắc hẳn là nỗi mất mát không gì có thể bù đắp được.
Xe khách vượt đèn đỏ gây tai nạn kinh hoàng tại Bình Dương (ảnh: Internet)
Vượt đèn đỏ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức kém của người tham gia giao thông. Dù biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng vẫn vô tư vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác vượt, và hơn hết là vì vắng bóng lực lượng CSGT. Đó là lối suy nghĩ vô cùng lệch lạc của những kẻ phá vỡ sự thượng tôn của pháp luật. Hành vi này nếu không xử lý nghiêm minh sẽ để lại những ấn tượng không đẹp về tình trạng giao thông hỗn độn, bát nháo ở các đô thị nước ta không chỉ đối với người dân trong nước mà đối với bạn bè thế giới; cần phải được chỉ trích, lên án, hay nặng nề hơn là trừng phạt. Với Hàn Quốc, vượt đèn đỏ ở Seoul là một hành vi cực kỳ liều lĩnh, có thể sẽ bị chiếc xe đi đúng tông thẳng vào vì họ không bao giờ nhường người vượt đèn đỏ. Hiệp hội An toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) cho biết, trung bình mỗi năm nước Mỹ có 2,3 triệu trường hợp vượt đèn đỏ và có tới 800.000 tai nạn liên quan tới chuyện này. Có nghĩa là cứ trung bình 2,8 xe vượt đèn đỏ là 1 xe gặp tai nạn do bị xe đi đúng chiều tông vào.
TNGT, mà trong đó nguyên nhân phổ biến là không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Trong cuộc chiến dai dẳng nhằm giảm thiểu TNGT, ý thức của người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng. Mỗi người dân cần tuyệt đối chấp hành luật giao thông; người lớn phải là tấm gương về văn hóa giao thông và có nghĩa vụ bảo vệ an toàn trẻ khi đi trên đường; nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiệm cho con em khi tham gia giao thông. Chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, kiến nghị bổ sung chế tài xử phát đủ mạnh nhằm răn đe những trường hợp nhờn luật, đặc biệt là hành vi vượt đèn đỏ, đe dọa tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, để từ đó những tai nạn thương tâm không còn xảy ra, mỗi ngày khi đi trên đường không còn nỗi lo sợ, phấp phỏng vì TNGT.
Hà Giang