Thái Nguyên: Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020” (Nghị quyết số 37-NQ/TW), những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông góp phần tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

     Để đảm bảo tính liên kết vùng, kết nối Thái Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực, các dự án giao thông được xác định trong thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW đã được quan tâm đầu tư, hoàn thành đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng như: Dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 cũ Thái Nguyên – Hà Nội đã giúp Thái Nguyên và các tỉnh miền núi “liên kết” thuận lợi hơn với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; dự án đường Vành đai V – Vùng thủ đô Hà Nội đang triển khai đoạn đi trùng Đại lộ Đông Tây; dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn I hoàn thành đã kết nối Thái Nguyên với Bắc Kạn, Cao Bằng; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường địa phương lên Quốc lộ 3C, Quốc lộ 17 theo đúng quy hoạch được duyệt, nâng tổng số tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh lên 6 tuyến và từ Thái Nguyên – Trung tâm vùng Việt Bắc lan tỏa đi khắp các địa phương trong khu vực. Đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ đưa vào sử dụng đường Bắc Sơn kéo dài kết nối cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với khu du lịch hồ Núi Cốc có số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Khởi công Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT 261

     Sau hơn 15 năm đầu tư phát triển (2004 – 2020), hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh đã có nhiều đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh và vùng. Năm 2004, toàn tỉnh có 4.401 km đường bộ; đến 9/2021, toàn tỉnh có 4.915 km đường bộ, 100% các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa. Sự kết nối các quốc lộ đi qua tỉnh với các tuyến đường địa phương đã tạo thành hệ thống đường giao thông rộng khắp, liên kết Thái Nguyên với các tỉnh phía Nam và vùng Trung du, miền núi phía Bắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các địa phương trong khu vực. Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Thái Nguyên,tuyến đường Vành đai 5 – Vùng thủ đô Hà Nội được đầu tư xây dựng đã kết nối nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Đồng thời khi các tuyến đường mới được mở ra, như đường Bắc Sơn kéo dài, đường Vành đai V trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra quỹ đất hai bên đường rất lớn để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Với hạ tầng đồng bộ, sự chủ động tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp tỉnh Thái Nguyên nằm trong top 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước (chỉ số PCI năm 2020 xếp thứ 11/63). Đến tháng 9/2021, tỉnh Thái Nguyên thu hút được 169 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 8,7 tỷ USD.
     Với những kết quả đạt được sẽ là những điều kiện, tiền đề tạo nên đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương trong những năm tới để Thái Nguyên đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng/người/năm trở lên…

                                                                       Kiều Hoa

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *