Tình trạng người tham gia giao thông vừa điều khiển ô tô, xe máy, vừa sử dụng điện thoại di động xảy ra khá phổ biến. Các hành vi dùng điện thoại di động nhắn tin, nhận cuộc gọi, chụp ảnh khi đang lưu thông trên đường là thói quen hết sức nguy hiểm, được các cơ quan chức năng xác định là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.
Hình ảnh một người vừa tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại di động- Nguồn ảnh: Internet)
Hiện nay, tình trạng sử dụng điện thoại khi lái xe diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là với người điều khiển ô tô. Đáng lo ngại hơn, những hành vi vi phạm này lại đang lan rộng với sự tham gia đa dạng của các lứa tuổi, phương tiện tham gia giao thông. Khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, hàng loạt chủ phương tiện bắt đầu mở điện thoại ra sử dụng. Đến khi đèn chuyển xanh, các phương tiện phía sau còi inh ỏi, những người sử dụng điện thoại mới tá hỏa một tay cầm điện thoại, một tay lái xe qua nút giao thông. Ngoài việc sử dụng điện thoại để nghe, gọi, nhiều người thậm chí còn dùng điện thoại nhắn tin, nghe nhạc, lướt mạng khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vừa sử dụng điện thoại di động, tư tưởng lái xe sẽ bị phân tán, khả năng quan sát bị ảnh hưởng, việc điều khiển phương tiện kém nhanh nhạy.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ nói chung, đặc biệt là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ, trong đó có quy định cấm sử dụng điện thoại trong khi đang lái xe và chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Song song với việc tuyên truyền, giáo dục, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại sẽ giảm được tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho cá nhân và những người xung quanh. Để xử lý hành vi sử dụng điện thoại lúc đang điều khiển ô tô, xe máy, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng cần trang bị thêm các phương tiện kỹ thuật như camera giao thông tại các trục đường có lưu lượng phương tiện tham gia lớn, những điểm nóng thường xảy ra tai nạn giao thông… thường xuyên trích xuất dữ liệu từ hệ thống camera giám sát để lấy chứng cứ xử phạt người vi phạm.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành thay thế cho Nghị định 107/NĐ-CP và Nghị định 171/NĐ-CP trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông có thể bị xử phạt từ 100.000-200.000 đồng khi điều khiển xe máy hoặc từ 600.000-800.000 đồng khi điều khiển ô tô.
Cao Huy Hiệp