“Nhanh một phút, chậm cả đời”

Đó là câu nói mà chúng ta thường gặp khi chứng kiến những trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, câu nói ấy có lẽ vô cùng thấm thía với những người đã từng là nạn nhân của tai nạn giao thông (TNGT), với những gia đình khi người con mất cha, người vợ mất chồng, cha mẹ mất đi đứa con thân yêu của mình vì TNGT.

     Tấm biển cảnh báo “Nhanh một phút, chậm cả đời” có mặt trên nhiều con đường có ý nghía nhắc nhở thiết thực đối với mọi người khi tham gia giao thông.
     Nhiều người vì muốn nhanh một phút mà phải trả giá bằng cả cuộc đời ngồi trên chiếc xe lăn hay nằm bất động trên giường, đáng tiếc hơn là có thể phải trả giá bằng cả tính mạng của mình và những người thân. Những con người ấy đã phải bỏ lỡ cơ hội học tập, làm việc, phấn đấu…nhiều dự định tốt đẹp đã vĩnh viễn bị chôn vùi; cánh cửa tương lai đã bị khép lại. Nhưng, dường như với nhiều người chưa từng phải chịu cảnh khổ đau đó, câu nói ấy chưa đủ để thấm thía. Mỗi ngày, trên các nẻo đường còn xảy ra những vụ TNGT thương tâm, vẫn có khoảng 20 người bước chân ra khỏi nhà và không bao giờ trở về nữa do TNGT.

Ảnh minh họa

     Chúng ta đều biết phần lớn các vụ TNGT là từ hoạt động giao thông đường bộ và xảy ra hàng ngày tại các đô thị lớn. TNGT có thể nói như một sự kinh hoàng của xã hội nói chung và những người tham gia giao thông nói riêng. Nguyên nhân chính dẫn đến những TNGT thương tâm hầu hết là do sự cẩu thả, không tuân thủ luật giao thông, luôn cố gắng vượt xe, giành đường của người khác. Thói quen vội vã, tranh thủ và vô luật lệ, chen lấn, không ai chịu nhường ai… là điều quá đỗi bình thường trong văn hóa giao thông của một bộ phận người dân Việt Nam.
     Những con số thống kê về số vụ TNGT được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến ta phải giật mình. Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,1/100.000 người. Một công ty chuyên tư vấn các dịch vụ du lịch xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có mức độ rủi ro giao thông cao nhất thế giới đối với du khách.
     Tám tháng đầu năm 2021, cả nước xảy ra 7.555 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 3.820 người, bị thương 5.313 người. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra 89 vụ làm chết 30 người và bị thương 86 người.
     Vi phạm quy định về tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông chết người tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tai nạn ở vận tốc 70km/h hậu quả sẽ thảm khốc hơn gấp 2 lần so với tan nạn ở tốc độ 50km/h. Tai nạn ở vận tốc 100km/h hậu quả sẽ thảm khốc hơn gấp 4 lần so với tai nạn ở tốc độ 50km/h. Khi đi qua các nút giao cắt, ngã ba, ngã tư mà đi với vận tốc nhanh thì hậu quả xảy ra sẽ rất nghiêm trọng. Đặc biệt là chuyện vượt đèn đỏ, lỗi này không chỉ vi phạm quy định an toàn giao thông mà còn dễ xảy ra tai nạn dẫn đến chết người.
     Nỗi ám ảnh TNGT đối với người đi đường biết đến bao giờ mới chấm dứt, câu trả lời dường như là một ẩn số. Thiết nghĩ, để hạn chế TNGT, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông; đồng thời tuần tra, xử phạt nghiêm người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, siết chặt các quy định bắt buộc liên quan đến việc tham gia giao thông. Và quan trọng hơn hết đó là bản thân mỗi người tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức chấp hành luật lệ, có lương tâm và trách nhiệm với tính mạng, tài sản của chính bản thân mình và của những người khác. Không những vậy, hãy phổ biến, lan rộng cho cộng đồng để hình thành thói quen tham gia giao thông một cách nghiêm chỉnh và đúng pháp luật.
     Văn hóa tham gia giao thông của người dân Việt Nam vẫn đang là một vấn đề đáng quan tâm, nếu không có những biện pháp mạnh để loại bỏ thói quen khi tham gia giao thông một cách bữa bãi, vô trách nhiệm thì chúng ta sẽ mang cả thói quen đó vào cuộc sống hàng ngày và dẫn đến những hậu quả khó lường. “Phía trước tay lái là cuộc sống”, là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và vì sự phát triển ổn định của xã hội, do vậy, mỗi người trong chúng ta hãy biết yêu quý bản thân, học cách nhường nhịn khi tham gia giao thông để không còn những cái chết vô nghĩa. “Đừng vì nhanh một phút mà chậm cả đời”./.

Thu Hiền

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *