Mức phạt nào được áp dụng cho hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường?

Hiện nay, không khó để bắt gặp hành vi chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường trên các tuyến đường đô thị. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý để đảm bảo trật tự và mỹ quan; song, việc tái lấn chiếm vẫn ngày một gia tăng. Biển quảng cáo, dịch vụ ăn uống, hàng hóa bày bán, tình trạng đỗ xe tràn lan, không theo một quy tắc khiến cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Vỉa hè bị chiếm dụng làm của riêng khiến người đi bộ buộc phải di chuyển dưới lòng đường gây mất an toàn giao thông, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

      Liên quan đến việc xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, Điều 36, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
3. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này;
b) Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định;
c) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường”.
Theo đó, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 4, Điểm e Khoản 5 Điều này;
b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông;
b) Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
c) Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 4; Điểm d, Điểm e Khoản 5 Điều này;…”.
Ngoài ra, Điều này cũng quy định:
“9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn diễn ra hằng ngày

      Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm trên, trước hết phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật giao thông và các quy định về trật tự của người dân còn hạn chế. Thứ hai, là do chính quyền một số địa phương xử phạt chưa triệt để, có nơi, có lúc còn buông lỏng quản lý.
      Trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông; các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước; tăng cường công tác quản lý, ra quân định kỳ và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm lập lại trật tự giao thông, đô thị trên từng địa bàn khu dân cư./.

Hà Giang

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *