Chính sách mới về giao thông có hiệu lực tháng 01/2022

Tháng 01/2022, nhiều chính sách pháp luật mới về giao thông chính thức có hiệu lực. Cùng điểm qua những quy định nổi bật sau đây.

     1. Xử phạt xe kinh doanh vận tải không đổi biển trắng sang biển vàng
     Khoản 2, Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA, ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định: Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021.

 Nhiều quy định mới về giao thông áp dụng từ ngày 01/01/2022

     Theo đó, nếu đến ngày 01/01/2022 mà xe kinh doanh vận tải chưa đổi biển vàng, chủ xe sẽ bị phạt vi phạm về lỗi không thực hiện đúng quy định về biển số tại Điểm đ, Khoản 7, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.
     Chủ xe kinh doanh vận tải là cá nhân sẽ phải nộp phạt cao nhất đến 04 triệu đồng, còn tổ chức kinh doanh vận tải phải nộp phạt lên đến 08 triệu đồng cho hành vi không đổi biển vàng theo quy định.
     2. Không lắp camera hành trình, xe kinh doanh vận tải sẽ bị phạt
     Trước đó, Khoản 2, Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định: Trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông…
     Nếu không lắp camera hành trình theo đúng lộ trình nói trên, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt từ 01 – 02 triệu đồng (theo Điểm p, Khoản 5, Điều 23 Nghị địn 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ). Tuy nhiên, thời điểm xử phạt lỗi vi phạm này đã được tạm ngưng đến hết ngày 31/12/2021 tại Nghị quyết 66/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Do vậy, từ ngày 01/01/2022, việc xử phạt không lắp camera hành trình sẽ chính thức được áp dụng.
     3. Sử dụng thiết bị giám sát học viên học lái xe ô tô trên đường
     Trước đây, theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, ngày 08/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải, việc trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô được yêu cầu thực hiện từ ngày 01/01/2021.
     Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, tại Thông tư 01/2021/TT-BGTVT, ngày 27/01/2021 của Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu này đã được lùi thời điểm thực hiện đến ngày 01/01/2022. Cụ thể, Khoản 12, Điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT nêu rõ: Cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31/12/2021; trang bị và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/01/2022; trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 01/7/2022.
     Vì vậy, từ ngày 01/01/2022, việc học lái xe ô tô trên đường của học viên sẽ được quản lý kỹ hơn cả về thời gian và quãng đường học lái xe nhờ thiết bị giám sát.
     4. Tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm giao thông
     Ngày 01/01/2022 cũng là thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đã được nâng lên thành 75 triệu đồng.
     Trước đó, mức phạt tiền cao nhất áp dụng cho hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực giao thông là 40 triệu đồng.
     Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực khác như:
     – Phòng, chống tệ nạn xã hội: Mức phạt tiền tối đa tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng;
     – Cơ yếu, Giáo dục: Mức phạt tiền tối đa tăng từ 50 triệu lên 75 triệu đồng;
     – Điện lực: Mức phạt tiền tối đa tăng từ 50 triệu lên 100 triệu đồng;
     – Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Mức phạt tiền tối đa tăng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng;
     – Kinh doanh bất động sản: Mức phạt tiền tối đa tăng từ 150 triệu lên 500 triệu đồng…
     5. Thay đổi về điều kiện được hoãn thi hành phạt tiền
     Tại Luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, điều kiện để để hoàn thi hành quyết định cũng có nội dung nhiều sự điều chỉnh. Cụ thể:
     – Tổ chức cũng được hoãn thi hành quyết định phạt tiền nếu bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên (trước đây chỉ có cá nhân được hoãn).
     – Tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
     – Cá nhân bị phạt tiền từ 02 triệu đồng trở lên cũng có cơ hội được hoãn nộp phạt (trước đây áp dụng cho cá nhân bị phạt tiền từ 03 triệu đồng trở lên).
     – Bổ sung trường hợp cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

     Trên đây là một số chính sách mới về giao thông bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01/2022./.

Huy Hiệp

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *