ATK Thái Nguyên trong chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông 1947

Thái Nguyên là tỉnh miền núi và trung du, nằm giữa căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do đặc điểm vừa có địa hình hiểm trở tạo thành địa thế thuận lợi để đối phó với địch, vừa có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ và đường sông nên bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã chọn Thái Nguyên làm An toàn khu (ATK) Trung ương, làm “Thủ đô kháng chiến”. Từ đầu năm 1947 đến 1954, hầu hết các cơ quan đầu não kháng chiến: Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội, Bộ Quốc phòng… và các lãnh tụ kháng chiến (Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng,…) đã đến ở và làm việc tại Thái Nguyên để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.

     Bước vào Thu – Đông 1947, Thái Nguyên nằm trên địa bàn “địch có thể tấn công” như nhận định của Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ tư: “Nếu địch không mạo hiểm thì đánh đồng bằng nếu mạo hiểm thì chúng đánh Việt Bắc” và “tấn công lên Việt Bắc, chúng sẽ chiếm các tỉnh Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, nối liền đường Hà Nội – Lạng Sơn”(1). Để đối phó với âm mưu của địch, quân và dân Thái Nguyên đã tập trung sức người, sức của triển khai mọi mặt công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đánh trả địch, bảo vệ căn cứ địa và cơ quan đầu não kháng chiến. Đầu năm 1947, sau khi Ban Phá hoại của tỉnh được thành lập, Ban Phá hoại các cấp từ thị xã xuống các xã, khu phố cũng lần lượt ra đời, làm nhiệm vụ “Tiêu thổ kháng chiến”. Đến giữa năm 1947, công tác phá hoại ở thị xã Thái Nguyên căn bản hoàn thành: Toàn bộ nhà cửa, dinh thự được phá sập; mặt đường vừa được xẻ thành hào sâu, vừa đắp ụ, nhiều cây to được chặt hạ đặt chắn ngang mặt đường để ngăn chặn các phương tiện cơ giới của địch. Sau khi cơ quan chỉ huy dân quân các cấp từ tỉnh xuống cấp huyện, xã được thành lập (theo Thông tư ngày 19/2/1947 của Bộ Quốc phòng), Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp đảm bảo số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng; toàn tỉnh đã phát triển được 4.324 du kích.

Quang cảnh thị xã Thái Nguyên sau “Tiêu thổ kháng chiến” 
(Ảnh chụp trước ngày thực dân Pháp mở chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947)

     Ngày 07/10/1947, Pháp huy động khoảng 12.000 quân gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo, 2 tiểu đoàn công binh, 40 tàu chiến, ca nô và 40 máy bay các loại mở cuộc tấn công lên Việt Bắc nhằm đập tan cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, khóa chặt biên giới Việt – Trung, ngăn chặn sự liên hệ giữa ta với quốc tế, phá hoại kinh tế, khủng bố nhân dân, thúc đẩy thành lập chính quyền bù nhìn toàn quốc, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh.
     Trong 2 ngày 7,8/10, quân Pháp nhảy dù xuống đánh chiếm thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới và huyện lỵ Chợ Đồn mở đầu cho cuộc tiến công lớn Việt Bắc Thu – Đông 1947.
     Do có sự chuẩn bị tích cực từ trước, các xã Tràng Xá, Dân Tiến, Liên Minh, Bình Long thuộc huyện Võ Nhai đã được bí mật xây dựng thành ATK II của Căn cứ địa Việt Bắc. Khi địch nhảy dù xuống Bắc Cạn và đánh Tuyên Quang, tấn công vào Chiêm Hóa, uy hiếp ATK Định Hóa, ngày 15/10/1947, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Chỉ huy đã theo con đường bí mật được chuẩn bịtrước từ Định Hóa sang khu A (Võ Nhai) an toàn.
Sau hơn một tháng mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc không đạt được kết quả mong muốn, phán đoán ta có khoảng từ 20 đến 25 tiểu đoàn bộ đội chủ lực đang đóng ở các vùng Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (thuộc tỉnh Thái Nguyên), Yên Thế (thuộc tỉnh Bắc Giang) và lưu vực sông Đáy, các cơ quan đầu não kháng chiến của ta đóng ở các vùng núi đá Võ Nhai, Định Hóa, chúng quyết định sử dụng lực lượng tham gia cuộc hành quân Lêa cùng với Trung đoàn bộ binh Ma rốc số 5 và Trung đoàn Côxtơ mở cuộc hành quân Xanhtuya (Ceinture: siết chặt) nhằm bao vây, càn quét khu tứ giác Thái Nguyên – Tuyên Quang – Việt Trì – Phủ Lạng Thương rộng hơn 8.000 km2 nhằm “Tiếp tục lùng bắt kì được cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt chủ lực Việt Minh, phá hoại Căn cứ địa”. Hướng bao vây, càn quét chính của cuộc hành quân Xanhtuya là Thái Nguyên, 2 hướng khác là Sông Thương – Yên Thế và Chợ Mới – Tuyên Quang xuống đồng bằng.
     Trước các biểu hiện “địch đã biết các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và Chính phủ ta chuyển về Võ Nhai, nên có thể chúng sẽ táo bạo mở cuộc hành quân bao vây, càn quét vào khu vực này”, từ ngày 17/11/1947, các cơ quan đầu não kháng chiến và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, quân đội ta di chuyển từ ATK Võ Nhai về ATK Định Hoá. Bác Hồ di chuyển an toàn từ làng Vang (thuộc xã Liên Minh, huyện Võ Nhai) về xã Phú Đình, huyện Định Hoá. Lực lượng vũ trang Võ Nhai cử cán bộ, chiến sĩ dân quân, du kích cùng với cán bộ, chiến sĩ Đội Bắc Sơn do đồng chí Lê Dục Tôn chỉ huy, bảo vệ và dẫn đường đưa Đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Thập, Tôn Đức Thắng di chuyển theo đường mòn từ Mỏ Mủng (xã Dân Tiến), qua các xã Tràng Xá, Liên Minh (Võ Nhai), Văn Hán (Đồng Hỷ), La Hiên (Võ Nhai), Động Đạt (Phú Lương) về xã Phú Minh (Đại Từ) đảm bảo tuyệt đối an toàn. Ban Chỉ huy Huyện đội bộ dân quân Võ Nhai cử 8 chiến sĩ dân quân, du kích khoẻ mạnh, thay nhau cáng các cụ nhân sĩ yêu nước (Vi Văn Định, Bùi Bằng Đoàn) và cử một số cán bộ, chiến sĩ dân quân, du kích khác giúp Đoàn cán bộ Trung ương vận chuyển tài liệu, hành lý, hoặc đi trước dẫn đường từ ATK Võ Nhai sang ATK Định Hoá. Cùng thời gian trên, Bộ phận A của Bộ Tổng Tham mưu cũng di chuyển từ ATK Võ Nhai sang xã Phú Đình (thuộc ATK Định Hoá).
     Ngày 20/11/1947, thực dân Pháp bắt đầu triển khai kế hoạch hành quân Xanhtuya. Ngày 22/11/1947, Binh đoàn Commuynan rút khỏi thị xã Tuyên Quang theo đường thủy về Bình Ca và theo đường bộ sang Sơn Dương nhằm uy hiếp đường liên tỉnh Thái Nguyên – Tuyên Quang, hỗ trợ cho quân Pháp từ phía Bắc rút về. Tại Bắc Kạn, quân Pháp rút khỏi một số vị trí, tập trung lực lượng về Chợ Mới. Tại đây, chúng hành quân nghi binh lên thị xã Bắc Kạn và phao tin sẽ rút quân lên Cao Bằng để đánh lừa ta. Ta đã điều một số đơn vị bội đội chủ lực từ Định Hóa lên Bắc Kạn chặn đánh địch. Đêm 24/11/1947, từ Chợ Mới, địch cho 1 trung đoàn (khoảng 1.500 tên) bí mật theo Đường số 3 hành quân xuống Cây số 31, rẽ vào Chợ Chu chiếm đóng các khu vực Phố Ngữ, Quán Vuông (thuộc châu Định Hóa).
     Ngày 25/11/1947, từ Quán Vuông địch hành quân, càn quét lên chiếm đóng phố Chợ Chu và làm sân bay dã chiến ở cánh đồng. Cùng thời gian này, từ Chợ Mới, địch cho 1 tiểu đoàn bộ binh theo đường mòn qua Đồng Danh, Làng Muồng, càn vào xã Phượng Tiến (bao gồm địa bàn 2 xã: Tân Dương và Phượng Tiến ngày nay).
     Ngày 26/11/1947, tại Võ Nhai, giặc Pháp cho 23 máy bay ném bom bắn phá và thả khoảng 500 quân xuống chiếm đóng La Hiên. Buổi chiều cùng ngày, chúng cho 14 máy bay ném bom và thả khoảng 200 quân xuống đánh chiếm xã Tràng Xá. Tại huyện Đại Từ, địch cho 15 máy bay ném bom, bắn phá và thả gần 1 tiểu đoàn (khoảng 400 quân) xuống chiếm đóng các khu vực làng Ngò (xã An Khánh), Ba Gò (xã Cù Vân).
     Cùng thời gian trên, từ Cầu Đuống (Hà Nội), địch huy động 1 binh đoàn tiến lên đánh chiếm một số nơi thuộc các xã: Thuận Thành, Trung Thành, Đắc Sơn… của phủ Phổ Yên và vùng Tây Nam huyện Đại Từ. Như vậy, với đợt tấn công mới này, hàng nghìn quân Pháp đã tỏa ra chiếm đóng 32 điểm trên địa bàn 7 châu, phủ, huyện của tỉnh Thái Nguyên.
     Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Thái Nguyên đã bình tĩnh đương đầu với cuộc tấn công của địch. Tại Định Hóa, trên các hướng hành quân, càn quét, thực dân Pháp đều bị tự vệ các nhà máy cùng lực lượng dân quân, du kích phối hợp với các Tiểu đoàn 101, 103, 183 bộ đội chủ lực chặn đánh rất quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Sau gần 10 ngày hành quân, càn quét, không đạt được mục tiêu, lại bị quân ta chặn đánh liên tiếp, nên từ ngày 1 đến ngày 6/12, quân Pháp rút khỏi Định Hóa. Các cơ quan đầu não kháng chiến tại ATK Định Hóa được bảo toàn.
     Tại Võ Nhai, ngày 26/11, khi quân Pháp nhảy dù xuống La Hiên, mặc dù bị địch áp đảo cả về binh lực và hỏa lực, song cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực và Trung đội du kích tập trung của huyện vẫn kiên cường chiến đấu hết đợt này đến đợt khác. Sau hơn 1 tuần tấn công, càn quét địa bàn Võ Nhai không thu được kết quả, đầu tháng 12/1947, quân Pháp từ Tràng Xá, La Hiên rút dần qua huyện Đồng Hỷ, về thị xã Thái Nguyên. Trên đường rút, chúng bị bộ đội chủ lực và dân quân, du kích chặn đánh liên tiếp nhiều trận ở Cúc Đường, Giai Kiết, Hích, Xuân Quang… (thuộc huyện Võ Nhai), Trại Táo, Chùa Hang, Đồng Bẩm… (thuộc huyện Đồng Hỷ).
     Tại Đại Từ, sau khi đổ bộ xuống cánh đồng làng Ngò (xã An Khánh) và Ba Gò (xã Cù Vân), quân Pháp đã tỏa ra lùng sục, càn quét các vùng lân cận. Càn quét đến đâu, quân Pháp cướp bóc của cải, đốt phá nhà cửa, tàn sát nhân dân ta rất dã man đến đó. Quyết tâm đánh địch bảo vệ căn cứ địa kháng chiến, bảo vệ nhân dân, ngày 30/11, tại xóm Cây Thị, 1 đại đội bộ đội chủ lực đã chặn đánh một toán quân địch từ làng Ngò (xã An Khánh) theo đường mòn càn lên xã Hùng Sơn, diệt 15 tên. Ngày 1/12, tại Cầu Hến, du kích xã An Khánh đánh địch bằng địa lôi, diệt 2 tên. Ngày 2/12, tại Đèo Khế, bộ đội chủ lực và du kích tập trung của huyện đã phục kích khoảng 1 trung đoàn địch từ huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) sang huyện Đại Từ, diệt 30 tên, làm bị thương nhiều tên khác.
     Sau khi tấn công, càn quét Thái Nguyên không thu được kết quả, giữa tháng 12/1947, quân Pháp tập trung về huyện Đại Từ và thị xã Thái Nguyên để rút về xuôi. Trên đường rút, chúng bị bộ đội chủ lực và dân quân, du kích Thái Nguyên chặn đánh liên tiếp. Ngày 20 và 21/12, toàn bộ quân Pháp ở Thái Nguyên theo 2 đường, một đường theo sườn núi Tam Đảo rút về Phúc Yên, một đường theo Quốc lộ 3 qua cầu Đa Phúc rút về Hà Nội. Tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược Pháp.
     Qua hơn một tháng trực tiếp đương đầu với cuộc hành quân Xanhtuya của địch, quân và dân Thái Nguyên đã cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh 123 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 490 tên địch, làm bị thương hơn 100 tên khác, trong đó riêng “du kích Thái Nguyên đã độc lập chiến đấu 68 trận, tiêu diệt 96 tên Pháp và 3 tên Việt gian, phản động, làm bị thương 34 tên khác…” (2), góp phần quan trọng cùng với quân và dân các tỉnh Việt Bắc đánh bại cuộc tấn công đầy tham vọng của địch. Chiến thắng Việt Bắc Thu- Đông 1947 đã tạo ra một bước ngoặt mới, một sung lực mới cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, đồng thời động viên cỗ vũ mạnh mẽ Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên cống hiến hết mình phục vụ kháng chiến kiến quốc trong những năm sau này./.

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *