Phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản

Đây là quy định tại điều 14, 15 của Nghị định số 31/2020/NĐ-CP, ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu.

     Theo đó, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nếu tổ chức, cá nhân có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng; phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện, có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
     Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm. Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt.

Phương tiện vi phạm giao thông được đưa về nơi tạm giữ

     Tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương tiện có trách nhiệm đưa phương tiện về nơi tự bảo quản; trong thời gian đặt tiền bảo lãnh không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

     Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh. Nếu số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì số tiền thừa còn lại sau khi đã khấu trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đã đặt tiền bảo lãnh trước đó. Sau đó, tiền xử phạt sẽ được người có thẩm quyền chuyển số tiền xử phạt từ khấu trừ vào tài khoản thu ngân sách nhà nước mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt.

     Nghị định cũng quy định, vật chứng của vụ án hình sự; phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy thì không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản

     Đa số điều kiện bảo quản tại các kho bãi hiện nay chưa được tốt nên có thể thấy rằng Nghị định số 31/2020/NĐ-CP của Chính phủ là một hướng mở cho cả người vi phạm và các cơ quan được giao thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Người vi phạm có thể tự bảo quản tài sản của mình một cách tốt nhất mà không lo phương tiện bị trầy, xước, hư hỏng do thời gian dài không sử dụng và quá trình vận chuyển gây ra; các cơ quan chức năng cũng giảm bớt một phần gánh nặng về việc quá tải tại các kho bãi, trách nhiệm bảo quản, phòng tránh cháy nổ nhất là những phương tiện có giá trị cao.

Lưu Đường Tăng

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *