Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia gồm có 7 chương, 36 điều; Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong Luật có nhiều nội dung quy định liên quan đến vấn đề an toàn giao thông, nổi bật như:

Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô

    Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong 12 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đây là điểm mới so với hiện nay về nồng độ cồn khi tham gia giao thông chỉ quy định người điều khiển xe ôtô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông và đối với xe gắn máy hoặc xe mô tô, mức độ cồn cho phép là 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1 lít khí thở.
      Về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật có quy định: Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông; cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông; Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.
      Luật cũng quy định các cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia…
Rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng từ 15 đến 49 tuổi. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm khoảng 40%. Vì vậy, việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là cần thiết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra./.

Lưu Đường Tăng

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *