Nên mở dải phân cách ở Dốc Nguy hiểm cũ

“Dốc Nguy hiểm” là tên do người dân đặt ra và thường gọi từ vài chục năm trước. Đó là đoạn giao nhau giữa đường Phú Xá với đường Cách mạng Tháng Tám. Mấy năm gần đây, cơ quan quản lý giao thông của tỉnh đã đặt biển “Cấm rẽ trái” theo cả hai hướng: Trên đường Cách mạng Tháng Tám theo chiều từ đảo tròn Gang thép đi về đường Phú Xá và trên đường Phú Xá tại nút giao với đường Cách mạng Tháng Tám, ở chân Dốc Nguy hiểm cũ (ảnh).

     Trước đây, khi chưa cải tạo, nâng cấp đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn đường qua đây trùng với Quốc lộ 3 cũ, phải đi ngược lên “Dốc Bể Dầu” rồi ngoắt xuống bên phải rất gấp (độ dốc trên 10%), sau đó lại uốn sang trái, tạo thành đường cua chữ “Z” ở ngay chân dốc, rất nguy hiểm. Nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, do vậy, người dân đặt tên là “Dốc Nguy hiểm” (ngày nay gọi là “Dốc Nguy hiểm cũ”). Tuy nhiên, sau khi cải tạo, nâng cấp, tuyến đường Cách mạng Tháng Tám qua khu vực này đã được nắn thẳng, không còn đi qua “Dốc Nguy hiểm” nữa. Đoạn đường cũ vẫn còn nguyên, được cải tạo, mở rộng, hạ độ cao và chỉ có rất ít phương tiện đi lại (chủ yếu là các hộ dân ven tuyến đường cũ, dài khoảng 300m). “Dốc Nguy hiểm” giờ đã không còn nguy hiểm như xưa, nhưng tại chân dốc, nơi vừa giao nhau với đường bộ (đường Cách mạng Tháng Tám), vừa giao nhau với đường sắt Gang thép, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột giao thông, có thể gây ách tắc cục bộ hoặc va chạm, tai nạn. Để khắc phục điều này, cơ quan quản lý giao thông của tỉnh đã đặt biển “Cấm rẽ trái” như trên đã nói.
      Việc đặt biển “Cấm rẽ trái” là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, kể từ khi đặt biển đến nay, cơ quan quản lý nhà nước vẫn không có biện pháp kỹ thuật nào để tổ chức lại giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi lại qua khu vực này. Cụ thể, các phương tiện từ đường Phú Xá muốn đi về hướng trung tâm thành phố buộc phải rẽ về hướng phải và đi khá xa (hơn 300m) mới được quay đầu.
      Ông Đào Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố 16, phường Phú Xá (TP Thái Nguyên) cho biết: Người dân sinh sống ở khu vực này đều mong muốn chính quyền cho mở dải phân cách gần với điểm giao nhau hơn để đi lại cho thuận tiện; chỉ nên cách chỗ giao nhau với đường sắt Gang thép khoảng 30 – 50 mét thì cho phép quay đầu là hợp lý. Quy định, quy cách thế nào thì dân không nắm rõ, nhưng so sánh với biển “Cấm rẽ trái” (giờ cao điểm) khi đi từ phía huyện Đồng Hỷ qua cầu Gia Bẩy về TP Thái Nguyên, sẽ thấy ngay. Khi đi qua cầu, rẽ phải về phía Trường Chính trị tỉnh klhoảng 20 mét là các phương tiện đã được quay đầu, rất hợp lý!
      Thiết nghĩ, đề xuất của người dân về việc mở dải phân cách ở khu vực Dốc Nguy hiểm cũ cho gần hơn với điểm giao nhau để các phương tiện không phải vòng tránh quá xa là hợp lý. Đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh nghiên cứu, giải quyết./.

                                                                                Trần Thép

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *