Hình thành văn hóa tham gia giao thông

Việc xây dựng Văn hóa giao thông được xem là biện pháp quan trọng nhằm giảm tai nạn giao thông; đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông.Nhằm góp phần nâng cao văn hóa giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 – 2025 kèm theo Quyết định số 1317/QĐ-TTg, ngày 28/8/2020.

     Đề án đề ra mục tiêu: đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT); phòng, chống tác hại của rượu, bia phải thường xuyên, liên tục, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của các chủ thể tham gia giao thông, những người làm nhiệm vụ quản lý, xây dựng, duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các hộ dân sinh sống hai bên các tuyến đường, những người quản lý, điều hành giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải.

      Theo đó, Đề án tập trung tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, ATGT; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATGT tại các nước trên thế giới.
      Trong ATGT đường bộ, đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.
      Đồng thời, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”.

      Theo Đề án, các báo, đài ở Trung ương và địa phương sẽ mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về ATGT; tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.Hàng năm, cập nhật, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự ATGT.
      Đối với hệ thống thông tin cơ sở, sẽ xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với mỗi địa phương, vùng miền để phát trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn, bản kèm theo chuyên mục hỏi, đáp về ATGTvà phòng, chống tác hại của rượu, bia, các hình thức xử phạt hành vi sử dụng rượu, biakhi điều khiển phương tiện giao thông .
      Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền thông qua các bảng tin công cộng bao gồm cả bảng tin điện tử, cẩm nang, tờ rời, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, màn hình điện tử led, màn hình frame… và tuyên truyền tác hại của rượu, bia với hình ảnh trực quan, sinh động, qua các hoạt động khác như nhắn tin tuyên truyền “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” đến các thuê bao di động…

Hoàng Nhung

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *