Hiệu quả từ phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Giao thông luôn được coi là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương. Những năm qua, để hoàn thành tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tự nguyện hiến đất, góp tiền của, sức lực để làm đường giao thông nông thôn, thiết thực góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Người dân đồng lòng cùng Nhà nước trong xây dựng đường giao thông nông thôn

      Nhận thức sâu sắc việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng phong trào bằng cách đóng góp ngày công lao động, hiến đất và tài sản trên đất phục vụ làm đường giao thông. Tại thành phố Thái Nguyên, người dân đã tự nguyện đóng góp trên 74.000 ngày công, hiến gần 130.000m2 đất để xây dựng các công trình như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm, xã … Tại thành phố Sông Công, hệ thống hạ tầng giao thông luôn được quan tâm đầu tư xây dựng. 4 xã: Vinh Sơn, Bình Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang đã thu hút nguồn lực từ cộng đồng dân cư, đầu tư xây dựng 94,83km đường giao thông đạt chuẩn. Bên cạnh việc đầu tư bê tông hóa các tuyến đường, nhân dân đã tự nguyện hiến ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường theo quy hoạch đảm bảo kết nối giao thông thông suốt.
      Bức tranh giao thông nông thôn Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng nông thôn đã có những bước phát triển vượt bậc, với diện mạo khang trang, sạch, đẹp. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 8.005 km đường giao thông nông thôn. Đến nay đã có 104/139 xã đạt tiêu chí Giao thông, bằng 74,8% tổng số xã, tăng 74,1% so với năm 2010 và tăng 39,25% so với năm 2015. Với những bước chuyển mình trên, đến năm 2020 Thái Nguyên sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn theo hướng thông thoáng, đáp ứng yêu cầu đi lại, giao thương của người dân, tạo điều kiện cho các xã hoàn thành các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Có những con đường mới, người dân đi lại an toàn, thuận tiện hơn, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, hàng hóa dễ dàng lưu thông, nông thủy sản vận chuyển thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển, cuộc sống của người dân dần được cải thiện. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới suốt 10 năm qua, ở nhiều địa phương, hiến đất làm đường đã trở thành phong trào được đông bảo bà con nông dân hưởng ứng, ủng hộ. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các công trình giao thông nông thôn nhận được sự đồng thuận cao của người dân, vì vậy không phát sinh thêm điểm nóng về an ninh trật tự. Những con đường hoa khang trang, rực rỡ sắc màu xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các xã vùng nông thôn mới, góp phần đem lại diện mạo sáng – xanh – sạch – đẹp cho những vùng quê thanh bình./.

Ngọc Thơm

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *