Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em – Vấn đề cần quan tâm

Ngày 19/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo việc tổ chức thực hiện bắt buộc quy định đội mũ bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh từ 6 tuổi trở lên được người lớn chở bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít trẻ em chưa được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông.

Trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

      Quan sát tại một số điểm trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tình trạng phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông còn khá phổ biến. Điều này cho thấy nhiều phụ huynh chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm, nên thực hiện không nghiêm túc. Chúng ta vẫn gặp những hình ảnh người lớn đội mũ bảo hiểm nhưng chở theo con em không đội mũ. Có phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con, nhưng lại không cài quai đúng quy cách, mũ cũng không hợp với kích cỡ và độ tuổi.
      Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm nước ta có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thôngĐối với Thái Nguyên, tính riêng từ 15/12/2018 đến 14/9/2019, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, làm tử vong 4 em và bị thương 9 em. Trong đó có nhiều trường hợp nạn nhân bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm. Những con số “biết nói” trên đã phần nào phản ánh thực trạng báo động về tai nạn giao thông ở trẻ em với những hậu quả đau lòng. Thực tế cho thấy, đội mũ bảo hiểm là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa những trường hợp đáng tiếc khi tai nạn giao thông xảy ra, trong đó có chấn thương sọ não, gây tử vong. Việc làm này không những bảo vệ tính mạng cho trẻ khi tham gia giao thông, mà còn xây dựng được một nền nếp, ý thức chấp hành Luật Giao thông cho trẻ. Vấn đề cốt lõi là phải nâng cao ý thức và tâm lý phòng ngừa của các bậc cha mẹ về tai nạn giao thông.
      Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ đã quy định rõ, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máykhông đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Tuy mức xử phạt là không lớn, nhưng nếu chúng ta dễ dàng chấp nhận mức xử phạt này thì hậu quả sẽ lớn gấp nhiều lần. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, chính vì thế, rất cần sự hợp tác của các bậc phụ huynh khi thực hiện các chủ trương, giải pháp của cơ quan chức năng về an toàn giao thông, trong đó có chủ trương đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra và các bậc phụ huynh phải là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo./.

Ngọc Thơm

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *