Các hình thức xử lý đối với lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn tại một số quốc gia trên thế giới

Rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng từ 15 đến 49 tuổi. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã ban hành và áp dụng những quy định rất nghiêm khắc để xử lý hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn (say rượu, bia), cụ thể:

      Tại Hàn Quốc, lái xe sau khi uống rượu được định nghĩa là hành vi giết người. Do vậy, người vi phạm sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng: Trong trường hợp tài xế say rượu gây tai nạn chết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ 3 năm tù giam đến chung thân. Còn nếu gây thương tích, người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức án tù giam từ 1 đến 15 năm.
      Tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 15 mg/100ml khí thở, tương đương với 1 ly bia, người điều khiển xe sẽ bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 Yen (khoảng 104 triệu đồng). Ngoài ra, Nhật Bản phạt 20 năm tù đối với tội lái xe say rượu gây tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.
      Tại Trung Quốc, nếu bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80 mg/100ml khí thở trở lên, tài xế sẽ bị khép vào hành vi lái xe trong trạng thái say rượu. Người này sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe trong vòng 5 năm. Trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người thì có thể bị kết án tử hình.
      Tại Singapore, người điều khiển phương tiện giao tông nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền và đối diện với 6 tháng tù giam.
      Tại Thái Lan, nếu say rượu lái xe gây tai nạn chết người có thể bị kết án tử hình, tù chung thân hoặc từ 15 đến 20 năm tù.
Tại Anh, tài xế bị phạt từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm) cho hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Nếu bị kết tội liên quan đến các hành vi điều khiển phương tiện khi uống bia, lái xe cũng khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay Mỹ.
      Tại Việt Nam, người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong 12 hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV). Hiện nay, người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông mà vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền tới 18 triệu đồng; nếu gây thương tích, thương tật hoặc gây chết người thì có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng và phạt tù từ 1 đến 10 năm.
      Có thể nhận thấy rằng, lái xe khi đã uống rượu bia là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, bị các nước trên thế giới áp dụng những hình thức xử lý nghiêm khắc. Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn giao thông và không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia. Đồng thời phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm thì có thể sẽ bị trục xuất.

Cao Huy Hiệp

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *