Luật hóa cấm uống rượu bia khi lái xe: Biện pháp mạnh cần thiết ngăn chặn tai nạn giao thông

Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ ở nước ta, có nhiều diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm các quy định về nồng độ cồn; nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người đều do lái xe ô tô đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, gây bức xúc trong nhân dân.

     Tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm. Ở một số quốc gia, lái xe khi say rượu bia được xem là vi phạm nghiêm trọng; lái xe sẽ bị phạt tù tùy mức độ và nộp phạt số tiền lớn. Tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện bị phạt tù từ 3 – 5 năm và nộp phạt từ 100 – 200 triệu đồng. Lái xe say rượu gây tai nạn sẽ phải ngồi tù 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người; tại Singapore, người điều khiển phương tiện nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền lên đến 85 triệu đồng và đối diện với 6 tháng tù giam. Với hành vi tái phạm, tài xế bị phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 50 – 130 triệu đồng nếu tái phạm lần thứ 2, phạt 510 triệu đồng và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn tái phạm lần thứ 3. Tại Trung Quốc, nếu lái xe bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml khí thở trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm không được cấp bằng trở lại. Nếu lái xe say xỉn gây ra tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngồi tù tùy theo mức độ nghiệm trọng của vụ việc…

Ảnh minh họa (Internet)

      Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã được thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (gồm 7 chương, 36 điều) với 84,3% đại biểu Quốc hội tán thành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Đây là đạo luật được cử tri đặc biệt quan tâm khi cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
      Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia và biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia… Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia được khẳng định trong luật gồm: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên. Bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; chú trọng các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia tại y tế cơ sở và ở cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm giảm tác hại của rượu, bia. Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
      Luật quy định rõ việc phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia như sau: Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
      Bên cạnh đó, Luật còn có các quy định cụ thể về: Biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia; quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia…

Nguyễn Lan

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *