Mỗi lần ra biển Tây, từ Cà Mau đến Hòn Khoai, từ Rạch Giá ra Hòn Tre, Hòn Sơn Rái, quần đảo Nam Du cho tới Phú Quốc… chúng tôi đều nghe kể nhiều câu chuyện về tình yêu biển đảo. Tất cả khiến chúng tôi thêm trân trọng vùng trời vùng biển thiêng liêng Tổ quốc mình.

Đời người đời đảo

Ở biển đảo đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, đâu đâu cũng có những con người cần cù lao động, có các chiến sĩ hải quân- lực lượng biên phòng ngày đêm bảo vệ chủ quyền.

Một lần ra Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), đoàn chúng tôi được thiếu tá Lê Đồng Khởi, Trưởng trạm biên phòng Hòn Nghệ đưa đi thăm bà con ngư dân ở các đảo xa tít như Hòn Nhum Bà, Hòn Nhum Ông, Hòn Dừng, Hòn Dứa… Đến đâu chúng tôi cũng cảm thấy tuy xa mà gần, tuy lạ mà dễ thân quen và thật ấm áp. Mỗi lời nói, mỗi cái nhìn của trẻ em đảo sao mà dễ thương đến nao lòng. Người ở đảo mộc mạc, chân tình, không khách sáo.

Lần đầu tiên dùng bữa cơm đạm bạc trên đảo, chúng tôi đã thấm thía tình người biển đảo. Cá tôm trên đảo vô số. Chỉ có nước uống, rau xanh, gạo và rượu thì vô cùng quý hiếm. Vậy mà, có bao nhiêu, bà con cũng mang ra đãi khách. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi được chủ nhà nhường cho những chỗ ngủ tốt nhất để yên giấc. Những đêm như thế hình như không một ai nhắm mắt. Chúng tôi thức và nghe kể chuyện suốt đêm.

Bà con trên đảo kể về cuộc sống và từng con người nơi đảo khơi, có khi kể những huyền thoại về Hòn Nhum, Hòn Đụng. Các anh bộ đội biên phòng cũng tham gia, mỗi người một chuyện, từ chuyện đời, chuyện nghề cho đến những chuyện xa xôi ngàn dặm nhớ về đất liền… Chúng tôi bị cuốn hút vào những câu chuyện cả đời người.

Hôm ra khơi thăm các làng bè nuôi cá. Trước mắt chúng tôi là một vùng biển xanh thơ mộng với vài chục chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu, gợi lên bao sự yên bình. Thiếu tá Khởi tự tin: “Ở đây, anh em chiến sĩ biên phòng nắm rõ từng hòn đảo, từng hộ dân và rất gần gũi với bà con. Nơi biển khơi, những chiến sĩ biên phòng xem ngư dân như người thân. Ngoài nhiệm vụ tuần tra canh gác, chúng tôi dựa vào dân để bảo vệ cuộc sống bình yên trên biển đảo”.

Rời Hòn Nghệ, chúng tôi lên tàu cao tốc ra quần đảo Nam Du. Tại đây, chúng tôi được ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang giới thiệu về 21 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Du. Ngoài những đảo đông dân, trù phú như Hòn Lớn (Củ Tron), Hòn Ngang, Hòn Mấu, số còn lại hầu hết là hoang đảo không người ở hoặc chỉ một hai gia đình sinh sống. Các xã Nam Du, An Sơn, Lại Sơn, Hòn Tre là 4 xã đảo thuộc huyện đảo Kiên Hải, có cùng chung thế mạnh là đánh bắt và nuôi trồng hải sản, bình quân mỗi năm khai thác trên 60.000 tấn sản phẩm từ biển.

Sáng hôm sau chúng tôi thuê một chiếc tàu nhỏ ra thăm các “Robinson” tại Hòn Nồm Giữa, Hòn Dầu và Hòn Đụng. Đầu tiên chúng tôi đến thăm ông Vương Ngọc Ánh, lão ngư dân gắn chặt đời mình với Hòn Nồm Giữa. Ông Ánh cho biết: “Đầu năm 1954, lúc 8 tuổi tôi đã theo cha ra đây dựng lên túp lều che nắng che mưa sống bằng nghề đánh bắt. Nay cha tôi đã qua đời, tôi và các con cháu tiếp tục sống dưới sự đùm bọc cưu mang của biển cả và núi rừng”. Do đó Hòn Nồm Giữa có biệt danh “Nhứt đảo, nhứt gia, ba thế hệ”. Năm tháng dần trôi, các thành viên trên đảo đã lớn lên cùng với trời đất cỏ cây, ngày ngày vật lộn với sóng gió, khổ nhất là thời chiến tranh, phương tiện đi lại nhọc nhằn nên con cái không được học hành, phụ nữ sinh con cũng phải tự lo vì không rước được mụ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đời sống tuy khấm khá hơn, con cháu có thể quay về đất liền lập nghiệp nhưng vì tình yêu biển đảo, không ai chịu rời xa.

Chúng tôi lại đến thăm ông Trần Văn Phương, người gốc Kiên Giang. Thời chiến tranh, vì bị bắt quân dịch nên gia đình ông xuống thuyền vượt biển ra Hòn Dầu lánh nạn. Mấy tháng đầu, hai vợ chồng phải đắp đổi qua ngày bằng con ốc con sò và các thứ rau củ có sẵn trên rừng. Thời gian dần trôi, gia đình ông có thêm ba người con ra đời trên đảo hoang. Thế là trên đảo bắt đầu có tiếng khóc của trẻ thơ. Giờ đây, Hòn Dầu đã thay da đổi thịt. Vườn cây ăn trái sum suê. Con cháu của ông cũng đã lập gia đình và ra riêng nhưng vợ chồng ông vẫn nặng lòng với biển đảo, quyết một tấc không đi, một li không rời.

Trên đường về chúng tôi ghé thăm ông Bảy Tút tại Hòn Đụng. Năm 1969, vì chiến tranh và đói nghèo nên ông đã theo cha vượt biển ra khơi tìm kế mưu sinh. Ông nhớ lại những ngày đầu tiên đến đây, cảnh vật thật hoang vắng, tiêu điều. Giờ đây, cuộc sống gia đình ông tuy đầy đủ tiện nghi nhưng vợ chồng ông vẫn vẹn lời thề “xin chọn biển đảo làm quê hương”.

Truyền kỳ trên biển Tây

Đến với biển đảo Tây Nam, chúng tôi còn có dịp hiểu thêm về những di sản văn hóa phi vật thể, qua những lễ hội, phong tục, tập quán, lối sống và văn hóa ẩm thực của ngư dân vùng biển đảo. Đặc biệt là tín ngưỡng thờ Phật Bà Nam Hải, tục thờ cúng thủy thần và cá Ông. Ngoài ra, chúng tôi còn hiểu thêm các địa danh gắn liền với những câu chuyện truyền kỳ về Vua Gia Long Nguyễn Ánh trong 15 năm bôn tẩu ở miền Nam.

Có thể nói những nơi Vua Gia Long từng đi ngang qua đều để lại những dấu ấn lịch sử và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Đó là chuyện cá sấu xuất hiện che chở giúp ông thoát nạn trên đường ra Phú Quốc; rồi chuyện rái cá lội ngang chặn mũi thuyền giúp ông thoát nạn trên đường ra vịnh Xiêm La; nào cá Ông nổi lên bên mạn thuyền cứu đoàn thủy thủ tại Vàm Láng- Gò Công… Vua Gia Long đều trả ơn bằng cách phong tặng tước hiệu cho những con vật đã cứu giúp, chẳng hạn như cá sấu là Tân Ngạc Ngư Long, rái cá là Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân và cá Ông là Nam Hải Đại Tướng Quân…

Dấu chân của Vua Gia Long còn gắn liền với nhiều địa danh trên đất liền và biển đảo một cách thi vị. Tương truyền khi đến vùng Sa Đéc ông đã đặt tên một vùng là Long Hưng, nơi có một cây đa to, ông thường đến ngồi câu cá nên sau này dân gian gọi là Cây Đa Bến Ngự. Khi đến Tân Hưng- Bạc Liêu, một nơi thiếu nước ngọt, ông liền khấn vái và đào một ao nước. Dân gian trong vùng gọi là Ao Ngự. Một lần ra Vàm Cái Nước, trong lúc dừng chân nghỉ ngơi, dân chúng đến yết kiến khá đông nên chỗ đó sau này có tên là Giá Ngự (xe Vua). Tại Năm Căn, nhiều người cũng đã phát hiện một chiếc thuyền của Vua đã bị chôn vùi dưới lớp phù sa nên gọi đó là Thuyền Ngự. Ngoài ra ở miệt U Minh còn có các địa danh như Cạnh Đền, Chắc Băng… đều phát xuất từ giai thoại dân gian, nơi Vua dừng chân, dù chỉ trong một đêm.

Năm tháng trôi qua, nhiều thế hệ đã cùng nhau khai khẩn, giữ gìn biển đảo. Bà con ngư dân đã làm thay đổi bộ mặt biển đảo Tây Nam, biến một vùng đảo hoang vu chỉ có những chuyện truyền kỳ, thành vùng biển đảo sung túc, giàu đẹp và thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đến đây, chúng tôi mới thấy hết đóng góp to lớn của những người làm nhiệm vụ giữ bình yên cho biển cả, cũng như thấu hiểu nỗi gian truân vất vả của những con người đầu sóng ngọn gió, đối đầu với “mặt biển chân mây”. Thế nhưng, tâm hồn của họ lúc nào cũng phóng khoáng, chân chất, hiền hòa và giàu lòng hiếu khách.

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *