Thời gian gần đây, việc người dân sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) không do cơ quan có thẩm quyền cấp (GPLX giả) trong quá trình tham gia giao thông đang có chiều hướng gia tăng và gây nhiều hệ lụy.
Việc mua và sử dụng GPLX giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân, gia đình của mỗi người và xã hội. Vì người sử dụng GPLX giả không học, không tham gia thi sát hạch nên thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, dễ dẫn đến vi phạm luật bởi bản thân không nhận biết được ý nghĩa các biển báo, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ quy định, gây va chạm, tai nạn.
Ảnh minh họa (Internet)
Theo thống kê của phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, từ ngày 18/7/2019 đến ngày 25/9/2019 đã phát hiện, xử lý 102 trường hợp lái xe sử dụng GPLX giả.
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 01/8/2016:
Người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô sử dụng GPLX giả sẽ bị phạt tiền lên tới 1,2 triệu đồng.
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 5, Điều 21 Nghị định 46 quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa.
Người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sử dụng GPLX giả sẽ bị phạt tiền lên tới 6 triệu đồng.
Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 7, Điều 21 Nghị định 46 quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi: không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 21; Điểm b, Khoản 7, Điều 21 còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa.
Để bảo vệ an toàn tính mạng của mình và người khác khi tham gia lưu thông trên đường, người dân nên đến trung tâm đào tạo thi sát hạch để được cấp GPLX, không sử dụng GPLX giả, sẽ có thể gây hậu quả đáng tiếc. Cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của việc lái xe không có bằng lái, sử dụng GPLX giả. Đồng thời, xử lý nghiêm việc mua bán và sử dụng GPLX giả, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Thu Hiền