Đèn xi – nhan, với màu vàng truyền thống, là một bộ phận quan trọng trên xe máy, ôtô; có chức năng báo hiệu hoặc cảnh báo cho các phương tiện giao thông khác. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân chính là do người điều khiển phương tiện không sử dụng đèn xi – nhan hoặc sử dụng không đúng cách (rẽ trái nhưng bật đèn báo rẽ phải hoặc chuyển hướng bất ngờ mà không báo trước). Hậu quả nhãn tiền là thế nhưng cách sử dụng đèn xi – nhan sao cho đúng luật, đúng cách thì không phải ai cũng nắm rõ.
Tại Điều 14, 15, 16, 18 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định những trường hợp sau đây phải bật đèn xi – nhan: Chuyển làn đường; chuyển hướng xe (rẽ phải, rẽ trái, quay đầu); xin vượt; cho xe chuyển bánh từ vị trí đỗ xe hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng xe.
Ngoài ra, để việc lưu thông được thuận lợi hơn, Cục Cảnh sát giao thông khuyến nghị nên bật đèn xi – nhan đối với những tình huống như: Đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải”. Khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải. Đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ. Lùi vào ngõ: Nên bật tín hiệu vì tầm quan sát của người lái xe hạn chế, khó điều chỉnh hướng xe và để tạo thuận lợi cho những phương tiện khác di chuyển. Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường. Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan.
Người điều khiển phương tiện nên bật xi – nhan trước khoảng 25-30 mét, sau khi rẽ xong nên duy trì thêm 5-10 mét ở vị trí thẳng lái rồi mới tắt xi – nhan. Do đó, những người đi gần đó sẽ biết lúc nào xe sắp đổi hướng, và lúc nào đã đổi hướng xong. Thêm nữa, để đảm bảo đèn xi – nhan luôn hoạt động tốt thì cần được kiểm tra định kỳ và sửa chữa ngay nếu có vấn đề.
Không bật đèn xi – nhan là lỗi khá phổ biến (Ảnh: Internet)
Về mức phạt, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ:
Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức); phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc.
Đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước; phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).
Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm lỗi không bật đèn xi nhan còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Bật đèn xi – nhan là một hành động tuy đơn giản nhưng nếu không thực hiện thì vô hình chung sẽ gây khó khăn cho các phương tiện cùng lưu thông hoặc thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do đó, mỗi người điều khiển xe máy, ô tô hãy cố gắng tạo cho bản thân thói quen bật đèn xi – nhan khi cần. Hành động này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho bản thân người lái xe mà còn hạn chế va chạm với những phương tiện lưu thông cùng, đồng thời góp phần cải thiện bộ mặt văn hóa giao thông nước ta./.
Hà Giang