Tuyên truyền an toàn giao thông bằng hình thức sân khấu hóa: Hấp dẫn và hiệu quả

Trong nhiều giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, tuyên truyền luôn được coi là biện pháp quan trọng, đóng vai trò xuyên suốt, góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực. Điểm nhấn của hoạt động tuyên truyền ấy, chính là tổ chức các sân khấu an toàn giao thông.

      Vừa qua, hơn 800 học sinh Trường THPT Khánh Hòa, thành phố Thái Nguyên đã sôi nổi tham gia chương trình Giao lưu tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông do phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên tổ chức. Với nhiều hình thức tuyên truyền sân khấu hóa phong phú, hấp dẫn như: Tiểu phẩm an toàn giao thông, các tiết mục văn nghệ, clip phóng sự ngắn về văn hóa giao thông, hỏi đáp, đố vui, trò chơi có thưởng… đã thu hút sự chú ý của đông đảo các em học sinh. Qua đó, các em được cung cấp các thông tin cơ bản về tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh cũng như các quy tắc tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

Một tiểu phẩm tại chương trình giao lưu “Tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT”
 tại Trường THPT Khánh Hòa (ngày 05/10/2019)

      Thực tế cho thấy có rất nhiều kênh để tuyên truyền về giao thông nhưng không phải hình thức nào cũng thực sự hiệu quả. Tuyên truyền bằng sân khấu hóa có ưu điểm là sinh động, dễ hiểu. Theo đó, các quy định của pháp luật về tham gia giao thông được lồng ghép gián tiếp hoặc thể hiện trực tiếp thông qua những vở kịch ngắn, những tiểu phẩm có dung lượng phù hợp với thời gian quy định hoặc qua những bài thơ, ca, hò, vè,… Nội dung cần truyền tải đến được từng người dân, từng đoàn viên, thanh niên, đúng đối tượng tuyên truyền bởi tiểu phẩm tình huống được xây dựng trên cơ sở các câu chuyện có thật xảy ra thường ngày, khác với văn bản luật khô khan, khó nhớ. Có thể nói, công tác tuyên truyền sân khấu hóa đã thể hiện được thế mạnh, ưu điểm vượt trội, sức hấp dẫn riêng và mang lại hiệu quả rõ rệt.
      Với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 3% đến 5% trên cả 3 tiêu chí so với năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, góp phần từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, bên cạnh các giải pháp đang triển khai thì công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục theo hình thức “mưa dầm – thấm lâu” ở tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh cho biết: Hình thức tuyên truyền sân khấu hóa sẽ gần gũi với người dân hơn. Qua các tiểu phẩm, những quy định của pháp luật sẽ được mềm hóa trên sân khấu giúp người xem dễ tiếp thu hơn. Thời gian tới, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ bằng hình thức sân khấu hóa. Nội dung các tiểu phẩm sẽ được đổi mới sinh động hơn, cập nhật những điểm mới trong các văn bản luật góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức của người dân khi tham gia giao thông./.

Ngọc Thơm

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *