Quy định xử phạt đối với người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Tai nạn do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là hiểm họa được báo trước; thế nhưng hiện nay, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.

      Việc người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia sẽ rất nguy hiểm cho chính bản thân và những người khác. Trên thực tế, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại hậu quả thảm khốc từ việc người tham gia giao thông lạm dụng rượu, bia, không làm chủ được phương tiện của mình. Chính vì vậy, đòi hỏi người tham gia giao thông nâng cao hơn nữa nhận thức về tác hại của rượu, bia, thực hiện đúng quy định của pháp luật khi tham gia giao thông…

Lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên)
kiểm tra nồng độ cồn của người dân khi tham gia giao thông tại Quốc lộ 3

      Để hạn chế việc người tham gia giao thông không tỉnh táo khi điều khiển phương tiện, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định cụ thể:
      1. Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
      Tại Điểm a Khoản 6 Điều 5 quy định: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Theo đó, mức xử phạt hành chính là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
      Tại Điểm b Khoản 8 Điều 5 quy định: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức xử phạt hành chính là từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
      Tại Điểm a Khoản 9 Điều 5 quy định: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức xử phạt hành chính là từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
      Tại Điểm b Khoản 9 Điều 5 quy định: Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Mức xử phạt hành chính là từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
      2. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
      Tại Khoản 6 Điều 6 quy định: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức xử phạt hành chính là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
      Tại Điểm c Khoản 8 Điều 6 quy định: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức xử phạt hành chính là từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
      Tại Điểm b Khoản 8 Điều 6 quy định: Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Mức xử phạt hành chính là từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
      Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn… 
      Thời gian tới, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm quy định về nồng độ cồn; hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia.

Hoàng Nhung

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *