Quy định về việc đặt biển hạn chế tốc độ

Ngày 15/10/2019 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT Quy định tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, thay thế Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015.

      Trong đó, Điều 10 quy định việc đặt biển báo hạn chế tốc độ thực hiện theo quy định của pháp luật về báo hiệu đường bộ và phải căn cứ vào điều kiện thực tế của đoạn tuyến, tuyến đường về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về lưu lượng, chủng loại phương tiện và về thời gian trong ngày. Đối với dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ, lắp đặt đầy đủ biển báo hạn chế tốc độ trước khi đưa công trình vào sử dụng. Đối với đoạn tuyến, tuyến đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi quản lý, cơ quan quản lý đường bộ phải chủ động, kịp thời lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo quy định.  Trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc, khi đặt biển báo hạn chế tốc độ, trị số tốc độ ghi trên biển không được dưới 50 km/h.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

      Khoản 3, Điều 10 của Thông tư quy định: Đối với đường đôi, đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng cho từng chiều đường; đặt biển báo hạn chế tốc độ cho một khoảng thời gian trong ngày (biển phụ, biển điện tử); đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng đối với các loại phương tiện có nguy cơ mất an toàn giao thông cao; đặt biển báo hạn chế tốc độ có trị số lớn hơn 60 km/h (đối với đoạn đường trong khu vực đông dân cư), lớn hơn 90 km/h (đối với đoạn đường ngoài khu vực đông dân cư) cho các tuyến đường có vận tốc thiết kế lớn hơn vận tốc tối đa quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT này nhưng phải đảm bảo khai thác an toàn giao thông.
      Khoản 4, Điều 10 của Thông tư quy định cơ quan có thẩm quyền đặt biển báo bao gồm: Bộ Giao thông vận tải đối với đường bộ cao tốc; Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với hệ thống quốc lộ và đường khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải (trừ đường bộ cao tốc); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý.
      Bên cạnh đó, Thông tư còn có các quy định cụ thể về: nguyên tắc chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường bộ, các trường hợp phải giảm tốc độ, tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc, khỏang cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường.

Ngọc Quỳnh

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *