Phát triển giao thông nông thôn: Góp phần thay đổi diện mạo mỗi vùng quê

Sau 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những con đường được đầu tư khang trang, rộng rãi không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, mà còn góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên

       Thái Nguyên triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm về hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh khá thấp. Chiều dài đường GTNT của tỉnh lớn, sự kết nối còn thiếu đồng bộ; chủ yếu đều là đường cấp thấp, cấp phối, đường đất; toàn tỉnh có tới 10.000km đường liên xã, liên xóm, đường nội đồng cần phải được thi công, nâng cấp. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hạ tầng GTNT ở các xã còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…
      Xác định rõ những mục tiêu và khó khăn trong xây dựng hạ tầng GTNT theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra trong xây dựng NTM đến năm 2020 về lĩnh vực giao thông vận tải và đạt nhiều kết quả tích cực. Mỗi năm, hệ thống đường GTNT, miền núi trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, số ki-lô-mét mặt đường được nhựa hóa và bê tông hóa tăng lên, đường đất giảm dần. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực nông thôn, miền núi ngày càng hoàn chỉnh, khang trang. Việc thông thương giữa các vùng miền, từ nông thôn về thành thị, từ miền núi về miền xuôi đã được rút ngắn cự ly, ngày càng liên hoàn, thông suốt, an toàn với chi phí vận tải hợp lý.
      Dù nhu cầu đầu tư cho hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh còn rất lớn nhưng nhìn lại 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, giao thông đã có nhiều thay đổi rõ nét. Nếu như năm 2010, Thái Nguyên chỉ có 03 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 184km và 289km tỉnh lộ nhựa hóa được 85%. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 01 tuyến cao tốc, 07 tuyến đường tiêu chuẩn Quốc lộ với tổng chiều dài 305km thảm bê tông nhựa nóng và 374km tỉnh lộ đã nhựa hóa, bê tông hóa 100%. Hệ thống GTNT không ngừng hoàn thiện, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, cứng hóa được 8.005km đường giao thông; có 104/139 xã đạt tiêu chí về giao thông, nâng tỷ lệ số xã đạt tiêu chí này từ 0,7% (năm 2010) lên 74,8% (năm 2019). Kinh phí thực hiện chương trình xây dựng cầu dân sinh, đảm bảo an  toàn giao thông cho vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2014 – 2020 cũng được tỉnh quan tâm mạnh mẽ. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 07 cầu treo dân sinh, 16 cầu cứng; đang khảo sát, thiết kế 13 cầu, tiếp tục đề xuất bổ sung 55 cầu vào dự án.
      Có thể khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống GTNT. Kết quả đó cũng là nền tảng, động lực để  phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, là “đòn bẩy” làm đổi thay những vùng quê nghèo.

Ngọc Thơm

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *