Cục Kỹ thuật Hải quân, 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Ngày 6/5/1970, Bộ Quốc phòng ban  hành Quyết định số 87/QĐ-QP, thành lập Cục Kỹ thuật trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Kỹ thuật Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu và chỉ đạo công tác kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và xây dựng ngành kỹ thuật Quân chủng đáp ứng với sự phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

CKTHQ 1

Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, thừa ủy quyền Chủ tịch Nước trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Cục Kỹ thuật Hải quân

        Ngay từ những ngày đầu Quân chủng Hải quân được thành lập (07/5/1955), các cơ quan, đơn vị tiền thân của Cục Kỹ thuật, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng đã khẩn trương xây dựng lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật; tổ chức tiếp nhận, sửa chữa, phục hồi, đóng mới, bảo đảm kỹ thuật tàu thuyền, ca nô và các vũ khí, trang bị kỹ thuật khác cho các đơn vị của Quân chủng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam (đã bảo đảm kỹ thuật cho 500 lượt tàu thuyền, 41 tàu chiến đấu, 44 tàu bổ trợ, 2 vạn khẩu súng pháo, 10 triệu viên đạn, 936 bom chìm, 300 quả thuỷ lôi, 972 bom phóng, 296 mìn nam châm và 62 quả ngư lôi). Chủ động xây dựng các cơ sở bảo đảm kỹ thuật bố trí trên một tuyến trải dài từ Quảng Ninh đến Quảng Bình; xây dựng, lắp đặt các trạm thông tin, ra đa để quan sát phát hiện mục tiêu, dẫn đường cho tàu thuyền ta hoạt động chiến đấu. Những nỗ lực của Cục đã trực tiếp góp phần bảo đảm cho Quân chủng cùng quân dân miền Bắc 2 lần đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân của đế quốc Mỹ, trong đó có chiến thắng trận đầu vang dội ngày 02 và 05/8/1964.
      Để góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam, Cục Kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc công tác sửa chữa, lắp ráp 122 chiếc tàu thuyền; nghiên cứu hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; sản xuất 13 loại trang bị, qua đó đã bảo đảm tốt trang bị, kỹ thuật cho Đoàn tàu không số (Đoàn 125) thực hiện trên 1500 chuyến vượt biển Đông, chở gần 100 nghìn tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa và lực lượng, góp sức làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Cục Kỹ thuật đã phối hợp với các lực lượng nghiên cứu cải tiến, sản xuất thành công hàng chục chiếc tàu thuyền, ca nô phóng từ và các phương tiện rà phá có công suất lớn (tàu kéo khung dây 150, 152, 154, tàu phóng từ 412, 414, 409…) giúp cho Quân chủng và các lực lượng hiệp đồng tiến hành rà phá thành công hàng ngàn quả thuỷ lôi, bom từ trường, làm thất bại một trong những phương thức tác chiến thâm độc và nguy hiểm nhất của địch. Chiến công này đã khẳng định ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm và sự thông minh, sáng tạo của bộ đội hải quân nói chung, những người lính thợ Cục Kỹ thuật Hải quân nói riêng trong cuộc đấu trí, đấu lực đầy cam go với kẻ thù có sức mạnh quân sự và tiềm lực khoa học kỹ thuật hiện đại vượt trội.
      Để bảo đảm trang bị cho lực lượng đặc công hải quân đánh tàu địch trên chiến trường sông biển miền Nam, các cơ quan, đơn vị của Cục Kỹ thuật đã tích cực nghiên cứu cải tiến, sản xuất 2500 quả thuỷ lôi APS; 100 quả thuỷ lôi HAT-2, mìn nam châm, vỏ mìn M3; 200 bom phóng; 1.385 ngòi KH-2; 400 ngòi nổ tự huỷ; 14.700 miếng chì cho ngòi nổ hẹn giờ; hàng ngàn bánh thuốc nổ TNT; 1448 quả mìn rùa…Các loại vũ khí, trang bị này đã được Đoàn 126 Đặc công Hải quân sử dụng rất hiệu quả, đánh trên 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng 336 tàu thuyền các loại, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt hàng ngàn tên địch.
      Góp sức mình cùng các lực lượng thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Cục Kỹ thuật đã chủ động, tích cực, gấp rút bảo đảm kỹ thuật cho hơn 500 lần chiếc tàu thuyền các loại của Quân chủng chở các lực lượng kịp thời ra mặt trận chiến đấu. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Xưởng 28, 46, 48, 56) tổ chức các đội sửa chữa cơ động đi theo các tàu vận chuyển cán bộ, chiến sỹ, vũ khí trang bị kỹ thuật tiến công giải phóng miền Nam và giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của dân tộc.
      Tiêu biểu trong công tác bảo đảm kỹ thuật cho Quân chủng hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là các Xưởng 46, 48, 56, 28, Phòng Nghiên cứu kỹ thuật và các đồng chí: Nguyễn Khoái, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Công Tộ, Nguyễn Sỹ Trinh, Văn Hải, Dương Đình Lộc, Nguyễn Doanh Hải, Đồng Cứ, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Văn Phả, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Văn Đức. Những tập thể và cá nhân đó là những tấm gương mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện về trình độ và trí tuệ trong lĩnh vực kỹ thuật, góp phần không nhỏ vào thành tích vẻ vang của Cục Kỹ thuật Hải quân.
      Phát huy thành tích và những kinh nghiệm bảo đảm kỹ thuật trong những năm tháng chiến tranh, trong giai đoạn (1975 – 2010), Cục Kỹ thuật đã chủ động củng cố, kiện toàn lực lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho Quân chủng làm nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo rộng hơn 1 triệu km2. Nổi bật là tiếp quản, làm chủ các cơ sở bảo đảm kỹ thuật của Hải quân Ngụy; nghiên cứu thiết kế, đóng mới tàu, xuồng; xây dựng kế hoạch bảo đảm vũ khí trang bị và tổ chức vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư xây dựng ra các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Huy động, tổ chức lực lượng tiếp nhận, vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật từ các kho phía Bắc vào bổ sung, dự trữ tại các cơ sở kỹ thuật tuyến trước, cấp phát cho các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo phía Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Bảo đảm kịp thời, đầy đủ số lượng, chất lượng tàu, xe, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu ở các vùng biển trọng điểm, huấn luyện, diễn tập của Quân chủng.
      Đặc biệt, trong giai đoạn Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng tiến thẳng lên chính quy, hiện đại (2011 – 2020), Cục Kỹ thuật đã tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng Cục vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về công tác kỹ thuật; đầu tư mua sắm, đóng mới tàu thuyền, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại (tàu ngầm, máy bay, tên lửa bờ thế hệ mới, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tiến công nhanh…), nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ vũ khí, phương tiện thực hiện nhiệm vụ (nổi bật là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng của Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa; hoạt động kinh tế biển; diễn tập; đối ngoại quân sự; tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phòng chống thiên tai…); đẩy nhanh tiến độ làm chủ vũ khí trang bị mới; triển khai thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ; củng cố; xây dựng các cơ sở bảo đảm kỹ thuật mới, hiện đại, trọng tâm là Dự án Nhà máy X52; tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho Quân chủng, góp phần cùng toàn Quân chủng thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ trọng tâm: làm nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và và xây dựng Quân chủng Hải quân chính quy, hiện đại.

      Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, trong những năm qua, được sự phân công của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng, Cục Kỹ thuật đã chủ động, tích cực thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo, tuyên truyền thu hút nguồn lực với các địa phương  gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Phú Yên, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Cần Thơ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. Từ năm 2007 đến nay, Cục Kỹ thuật đã tổ chức 350 buổi tuyên truyền biển, đảo cho hơn 52.450 lượt cán bộ, nhân dân các địa phương; đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa, công trình tưởng niệm, công trình dân sinh, Nhà tình nghĩa, phòng học vi tính, tặng quà học sinh nghèo, gia đình chính sách. Những việc làm trên kết quả chưa nhiều, song đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
      Với những thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng và chiến đấu, Cục Kỹ thuật Hải quân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 01 Huân chương Quân công hạng Nhì, 03 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen khác. Hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân trong Cục được các cấp khen thưởng, trong đó có 02 tập thể, 04 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, 11 cán bộ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật. Vượt lên gian khó, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, và người lao động Cục Kỹ thuật đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, kỷ luật; chủ động, sáng tạo; khắc phục khó khăn; làm chủ, trưởng thành”.
      Những năm tới, dự báo tình hình trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho Quân chủng trong giai đoạn cách mạng mới, các cơ quan, đơn vị của Cục Kỹ thuật phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác; quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp và yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, Cục vững mạnh toàn diện. Chủ động bám sát các hoạt động thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng về những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ. Tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học công nghệ, coi đó là nền tảng và động lực mạnh mẽ để xây dựng Cục “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hoá một số vũ khí, trang bị và sản xuất, nội địa hóa một số vật tư kỹ thuật đặc chủng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn cơ quan kỹ thuật và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật theo hướng tinh, gọn, mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành kỹ thuật có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ đáp ứng chức trách nhiệm vụ được giao. Tiếp tục thực tốt các mục tiêu của Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và 2 đột phá về “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật”, xây dựng Ngành Kỹ thuật và Cục Kỹ thuật Hải quân chính quy, hiện đại, xứng đáng là cơ quan tham mưu đắc lực cho Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng tiến hành công tác kỹ thuật, góp phần tô thắm thêm truyền thống của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”./.

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *