Giải pháp đưa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vào cuộc sống

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến con người và sức khỏe của con người. Người luôn coi sức khỏe của con người là nhân tố quan trọng, quyết định sự cường thịnh của một quốc gia, dân tộc. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đơn vị, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; góp phần làm chuyển biến nhận thức, hành động, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp an sinh xã hội. Năm 2017, Thái Nguyên có nhiều thành tựu nổi bật trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh tính theo giường kế hoạch đạt 131,28%; số người tham gia BHYT đạt 97,8% dân số; trong đó, 100% các đối tượng chính sách, có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi tham gia ổn định, thường xuyên, tỷ lệ  học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 96,9%. Tổng số trẻ sinh ra là 19.006 trẻ, giảm 74 trẻ so với cùng kỳ 2016. Chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tiếp tục được nâng lên, không để xảy ra sai sót lớn về chuyên môn. Trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra; hiện có 159/180 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2012 – 2017 (đạt 88,3%). Công tác quản lý dược và đấu thầu thuốc, vật tư y tế được chỉ đạo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, người bệnh tham gia bảo hiểm y tế được sử dụng các loại thuốc tốt với giá hợp lý (Từ năm 2014 đến năm 2016, Sở Y tế đã tổ chức 12 gói thầu mua thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị trúng thầu là 867 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Trung Hội, huyện Định Hóa

Các bệnh viện tuyến huyện đã làm tốt theo phân tuyến kỹ thuật, một số bệnh viện đã triển khai được kỹ thuật chạy thận nhân tạo và một số xét nghiệm chuyên khoa sâu khác; các bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại và bước đầu phát huy được hiệu quả như: Cộng hưởng từ, siêu âm màu 4D, X quang kỹ thuật số, CT scaner 128 dãy- 64 dãy, Doppler tim mạch…và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu: kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm  (đến nay đã có 100 bé chào đời, 58 phụ nữ đang mang thai bằng phương pháp này), hệ thống sàng lọc trước sinh… Hiện nay, Thái Nguyên có Bệnh viện A, Bệnh viện C và Bệnh viên Gang Thép là vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương; 02 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, 03 bệnh viện hạng 2 tuyến huyện. Các bệnh viện đã tích cực xây dựng đề án cải tiến chất lượng bệnh viện, nhiều kỹ thuật mới được triển khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn có những hạn chế đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Công tác lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ở cơ sở có lúc còn chưa sâu sát, chưa kịp thời; sự phối hợp của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân có nơi chưa đồng bộ, chặt chẽ. Nhiều địa phương trong tỉnh còn khó khăn về kinh tế – xã hội nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng gặp hạn chế; các chỉ số sức khỏe của người dân vùng sâu, vùng xa còn thấp. Hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước về y tế còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, do vậy việc lãnh đạo có lúc còn chồng chéo. Chế độ chính sách đãi ngộ cán bộ y tế chưa thỏa đáng, chưa thu hút nhiều cán bộ y tế có chuyên môn giỏi về công tác, nhất là các địa phương đặc biệt khó khăn. Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa cao về việc phải thường xuyên bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, còn nhiều thói quen hủ tục có hại cho sức khỏe. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và sự phối hợp của các cấp, các ngành ở một số nơi chưa được đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại nêu trên; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới Thái Nguyên sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; Quyết định 2348/QĐ-TTg, ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; Kế hoạch số 73-KH/TU, ngày 26/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (khóa XII) nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mỗi người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Hai là, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với việc thực hiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, việc chi trả Quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ khám chữa bệnh; hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi chưa có chế độ hưu trí, các đối tượng chính sách trong khám chữa bệnh.
Ba là, lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp, đảm bảo tính Đảng, chân thực, khách quan và sát với tình hình thực tiễn ở cơ sở; nâng cao chất lượng công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội đảm bảo kịp thời, toàn diện, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bốn là, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với việc cung ứng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; xử lý các vi phạm trong sản xuất kinh doanh thuốc và thiết bị y tế; chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, xử lý kịp thời không để dịch lớn xảy ra; duy trì, nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí về y tế xã giai đoạn đến năm 2020; phát triển y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại trong khám chữa bệnh.
Năm là, đổi mới đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Phát huy trách nhiệm, vai trò của các bệnh viện trong đào tạo đội ngũ y bác sĩ. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tiểu biểu trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

Nguồn: https://tuyengiaothainguyen.org.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *